Tại sao thực vật lại có khả năng giết chết côn trùng
Côn trùng, đặc biệt là ruồi, muỗi trong nhà bạn luôn là mối lo phiền toái mà nhiều nhà muốn tiêu diệt chúng. Có bao giờ bạn tự hỏi liệu hương muỗi bạn đốt hoặc xịt hàng ngày có nguồn gốc từ đâu chưa?
Vào mùa sinh sản của của côn trùng thường trùng với mùa mưa. Đó là lúc nhiều côn trùng sinh sôi, nẩy nở, hát ca, khoe giọng bên cạnh đó ruồi, muỗi, gián, kiến cùng đua nhau sinh sôi phát triển. Vì vậy nhiều gia đình đã phải tìm mua những loại thuốc có thể tiêu diệt những loại côn trùng này.
“Cúc diệt côn trùng” là gì?
Có thể bạn chưa biết, nguyên liệu chủ yếu của hương muỗi chính là ester trích xuất từ hoa cúc có khả năng diệt trừ côn trùng. Các nguyên liệu này đều được lấy từ một loài thực vật có tên là “Cúc diệt côn trùng”.
Hoa của “Cúc diệt côn trùng” có tác dụng diệt côn trùng cao nhất vì trong hoa có tập trung trên 90% ester hoa cúc so với toàn bộ lượng ester của cả cây.
Tại sao cúc có khả năng diệt côn trùng?
Hoa cúc có khả năng chống lại sâu bệnh, đặc biệt là các loài sâu ăn cỏ. Trong mỗi bông cúc trừ sâu có hàm chứa từ 0,6 – 1,4% chất cúc trừ sâu và chất cúc xám.
Chất trích xuất từ cúc trừ sâu còn gọi là este cúc trừ sâu, là một loại chất lỏng dạng kết dính không màu. Sau khi côn trùng tiếp xúc với chất này, thần kinh của nó sẽ bị tê liệt, trúng độc mà chết. Nó có thế làm tê liệt các loại động vật như sâu bọ, rắn rết, ếch nhái… nhưng lại không có hại đối với con người.
Chu kỳ sinh trưởng của “cúc diệt côn trùng” như thế nào?
“Cúc diệt côn trùng” thường nở hoa vào khoảng từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm, hàm lượng este tập trung cao nhất vào thời điểm hoa nở.
Lúc nở hoa, hoa cúc được hái xuống, một phần sẽ được phơi khô và chế thành bột phấn hoa cúc làm nguyên liệu trong các sản phẩm hương muỗi, ruồi, kiến, gián…
Một phần khác sẽ được chế biến thành ester hoa cúc thông qua các công nghệ sản xuất hoá học nhằm cung cấp phẩm dùng cho hàng loạt các sản phẩm diệt côn trùng hay các sản phẩm của thuốc trừ sâu nông nghiệp.
Cây thuốc lá có khả năng diệt côn trùng không?
Ngoài hoa cúc, một số loài thực vật khác vẫn có khả năng diệt côn trùng thông qua các hoạt chất bên trong cây. Một loài phổ biến thứ 2 thường được khai thác là cây thuốc lá. Cây thuốc lá chứa chất nicotin có khả năng phòng trừ được những côn trùng có hại như sâu bông, sâu cuốn lá, rệp, sâu rau xanh, sâu lúa nước… của cây ăn quả, mạ non, rau xanh, cây bông… Thường được sản xuất bằng cách lấy những bột thuốc, sợi thuốc còn dư thừa trong quá trình cuốn thuốc lá, thu thập lại và chế biến thành tinh chất thuốc lá
Ngoài ra, còn một số cây khác như dầu thơm trong cây hương muỗi, cây ngải, cỏ hương bồ, cành bồ kết của cây bồ kết, cafein trong cà phê, tinh dầu ăn trong lá cây an, tinh chất tỏi trong củ tỏi không những có thể toả ra những mùi hương giết chết các loại côn trùng có hại mà còn có thể tiếp xúc gần với côn trùng khiến cho côn trùng trúng độc mà chết.
Sử dụng chất từ thực vật để diệt côn trùng có an toàn không?
Có vẻ đọc qua nguồn gốc hương muỗi, hương nhan là từ thực vật nên các bạn an tâm hơn. Nhưng, sử dụng an toàn hay không phụ thuộc rất lớn vào người sử dụng.
Các chất diệt côn trùng trên thị trường rất nhiều mẫu mã và nhãn hiệu. Ngoài những thành phần chính như trên, nhà sản xuất còn bổ sung thêm nhiều phụ gia khác mà chúng ta không biết được. Đặc biệt, những sản phẩm có công dụng diệt côn trùng càng mạnh hường có hoạt tính rất cao và có nguy cơ gây độc.
Không hề an toàn nếu chúng ta không sử dụng đúng cách và tuân thủ theo chỉ dẫn của nhà sản xuất. Những loại hương đốt nên tránh để trong phòng kín để giảm nguy cơ ngộ độc và bệnh đường hô hấp.
Đã có những trường hợp ngộ độc, viêm hô hấp phải đi cấp cứu do bị ngộ độc khi sử dụng các thuốc xịt côn trùng có chất hóa học mạnh mà bộ y tế không cho phép sử dụng. Vì vậy, cần thận trọng khi sử dụng các chất diệt côn trùng, kể cả chúng có nguồn gốc từ thực vật.